image banner
Lịch sử

Ngày 29/11/1923, Thống đốc Nam kỳ Cognacq ký quyết định thành lập xã Hiệp Thạnh trên cơ sở ghép hai thôn Bình Hạp và Gia Thạnh, dân số khoảng 600 hộ với trên dưới 2000 nhân khẩu.

Lúc đó xã (làng) Hiệp Thạnh được bao bọc xung quanh bởi 3 con rạch: phía tây là rạch Bà Lý, phía Bắc là rạch Kỳ Son, giáp ranh xã Vĩnh Công, lúc ấy là thôn Bình Hạp (bây giờ là địa bàn của các ấp Bình Ân, ấp 4), từ rạch Bà Lý chạy dọc ra rạch Cầu Vàm giáp ranh xã Dương Xuân Hội, xã Phước Tân Hưng – lúc đó là thôn Gia Thạnh (tương ứng với địa bàn các ấp 1, ấp 8, ấp 7 cũ, ấp 6 nay). Năm 1965, xã Hiệp Thạnh thuộc quận Bình Phước, tỉnh Tân An, gồm các ấp: Bình Ân – tương ứng với địa bàn ấp 1, ấp 2, 3; Bình Phú – tương ứng với ấp 4, Bình An - ấp 5, An Thạnh - ấp 6, 7; Phú Thạnh - ấp 8; Bình Lục – ấp 9. Địa giới hành chính này được giữ nguyên đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Sau ngày giải phóng năm 1975, trên cơ sở địa giới hành chính quận Bình Phước, tỉnh Long An thành lập huyện Châu Thành.

Năm 1977, Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho sát nhập hai huyện Châu Thành và huyện Tân Trụ thành huyện mới, lấy tên là huyện Tân Châu thuộc tỉnh Long An. Tháng 3/1978, huyện Tân Châu được đổi tên thành huyện Vàm Cỏ. Tháng 4/1989, theo Quyết định số 36/HĐBT của Hổi đồng Bộ trưởng ngày 04/4/1989, huyện Vàm Cỏ được chia tách thành 02 huyện Châu Thành và Tân Trụ như trước.

Như vậy, tuỳ theo sự thay đổi đơn vị hành chính cấp huyện, xã Hiệp Thạnh có lúc thuộc huyện Châu Thành, có lúc thuộc huyện Tân Châu, huyện Vàm Cỏ, nhưng nhìn chung địa giới hành chính và tên gọi của xã không có gì thay đổi cho đến ngày nay.

Hiệp Thạnh là một trong 13 xã, thị trấn của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Nằm ở vùng thượng của huyện, diện tích tự nhiên là 1.234,93 ha; phía đông giáp xã Phước Tân Hưng và thị trấn Tầm Vu, phía tây giáp xã Dương Xuân Hội và ấp Bình Cách, xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, phía nam giáp xã Phú Ngãi Trị, phía bắc giáp xã Vĩnh Công cùng huyện.

Hiệp Thạnh có 07 ấp, địa bàn xã nằm trên ngã ba giữa trục lộ 827 và lộ Bình Cách đi Tiền Giang, Mỹ Tho, cách thành phố Tân An khoảng 10 km về hướng bắc.

Thời chiến tranh, Hiệp Thạnh là cửa ngõ phía bắc quận lỵ Bình Phước (nay là huyện Châu Thành), án ngữ phía nam thị xã Tân An, nơi đây địch đóng 01 căn cứ Mỹ cấp tiểu đoàn, là vành đai bình định để bảo vệ cho quận lỵ. Đối với cách mạng, Hiệp Thạnh là trung tâm của vùng giữa, một trong những bàn đạp tấn công vào cơ quan đầu não của địch ở thị xã Tân An. Đối tượng tác chiến trên địa bàn xã là căn cứ tiểu đoàn cơ giới Mỹ, tiểu đoàn 310, 303, đại đội thám sát 761 quân đội Sài Gòn và nghĩa quân. Hiệp Thạnh chính là ải địa đầu đánh địch từ dưới lên. Do đó, nơi đây diễn ra cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt giữa cách mạng và phản cách mạng trong suốt 30 năm kháng chiến.

Hiệp Thạnh cũng như các xã vùng thượng của huyện Châu Thành có địa bàn tương đối bằng phẳng, dốc thoải theo hướng tây bắc – đông nam, độ cao trung bình từ 0,8 – 1,2m, thuận lợi để dẫn nước tưới tiêu cho đồng ruộng, ít chịu ảnh hưởng của nước lũ, là điều kiện tốt cho phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.

Trong tổng diện tích 1.234,93 ha có 802,8 ha là đất sản xuất nông nghiệp, hầu hết là đất phù sa ngọt, hàng năm liên tục được bồi đắp, thích hợp cho trồng cây nông nghiệp. Với nhiều biện pháp thâm canh, rửa phèn, xả mặn và cây trồng chủ lực của xã Hiệp Thạnh hiện nay là cây thanh long. Ngoài cây thanh long, nhân dân trong xã còn canh tác nhiều loại cây trồng khác như: ổi, khổ qua, quế,…

            Hệ thống sông Vĩnh Công, rạch Cầu Vàm, rạch sông Bà Lý nối liền với sông Vàm Cỏ Tây, cung cấp nước tưới tiêu, sinh hoạt cho nhân dân và sản xuất, đồng thời cũng là hệ thống giao thông thuỷ lợi thuận tiện giữa Hiệp Thạnh với các địa phương khác. Hệ thống đường bộ ở Hiệp Thạnh có tỉnh lộ 827 (chạy từ cầu Vĩnh Công đến giáp ranh thị trấn Tầm Vu) nối liền xã với trung tâm huyện và thành phố Tân An được trải nhựa, lộ Bình Cách, từ trung tâm xã đến cầu Bình Cách đi Tiền Giang; ngoài ra còn có hệ thống đường liên xã, liên ấp hầu hết được trải sỏi đỏ rất thuận tiện cho việc đi lại, góp phần vào giao lưu, phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội.

            Hiệp Thạnh nằm trong vùng khí hậu chung của huyện Châu Thành với chế độ nhiệt đới gió mùa, có hai mùa mưa – khô rõ rệt.

Các điều kiện tự nhiên thuận lợi tạo cho xã nhiều tìm năng trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Trong thực tế, chính quyền và nhân dân trong xã đã phát huy tốt tiềm năng của địa phương nhằm phát triển nông nghiệp toàn diện với nhiều mô hình kinh tế, tiêu biểu như mô hình kinh tế trang trại với nhiều loại cây trồng kết hợp với chăn nuôi gia súc và nuôi trồng thuỷ sản, tận dụng tốt ưu thế về đất đai, nguồn nước khí hậu mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Hiệp Thạnh cũng có vị trí địa lý thuận lợi là cầu nối giữa vùng nguyên liệu nông nghiệp với thị trường tiêu thụ mạnh nằm trên tỉnh lộ 827 nối huyện với thành phố Tân An có lộ bình cách nối thành phố Mỹ Tho, Tiền Giang.

Nhìn tổng thể, hệ thống cơ sở vật chất của xã tương đối hoàn chỉnh, hệ thống giao thông thủy bộ khá phát triển, hệ thống kênh rạch thông thoáng, hệ thống lưới điện quốc gia đã về tới tận các trường học, trạm y tế được xây dựng mới. Hiện nay, Hiệp Thạnh đang đẩy mạnh phát triển các cơ sở sản xuất tiểu thủ công và hoạt động thương mại dịch vụ, tiến tới một cơ cấu phát triển kinh tế thích hợp hơn.

Cộng đồng dân cư Hiệp Thạnh được hình thành từ rất sớm. Từ thế kỷ XVII,  vùng đất này đã có cư dân sinh sống họ là những lưu dân người Việt vì nhiều lý do đến đây tìm kế sinh nhai. Quá trình phát triển, cộng đồng dân cư ở đây ngày càng được bổ sung về số lượng và thành phần. 

Trước cách mạng tháng Tám, ở Hiệp Thạnh có một hội tề có 12 Hương chức gồm: Hương chủ, Hương sư, Hương trưởng, Hướng Chánh, Hương giáo, Hương thân, Hương hào, Hương quản, Hương bộ, Chánh lục bộ và Thôn trưởng, mỗi ấp có chủ ấp. Về sau thành lập một số bộ phận trong coi việc tang lễ xã, cúng kiếng trong đình làng. Người có quyền hành cao nhất ở xã lúc ấy là Hương cả ( trước năm 1945 có Cả Hứa), kế đến là Hương quản. Hầu hết là những tên gian tham, chúng cấu kết với cường hào, địa chủ áp bức, bóc lột người dân làm cho đời sống của họ hết sức khốn đốn. Ruộng đất trong xã chủ yếu tập trung vào tay các địa chủ như Huyền đủ (Cù Khắc Xương) ở ấp 5, Hội đồng Thuận ở ấp 7, Thôn Chắc ở ấp 5, Cả Mảng ở ấp 4, ngánh chủ Mân, nhánh Cả Hứa, ngánh Chánh Ngọc ở ấp 3, ngánh Cả Trưng, Thôn An, Cả Phước ở ấp 7 và một số ít phú, trung nông. Còn nông dân nghèo hoặc đi làm tá điền, ở đợ hoặc phải đi làm mướn ở các địa phương khác. Dưới chế độ cai trị của thực dân, phát xít, sự bóc lột còn tàn nhẫn hơn. Người nông dân phải làm quầng quật quanh năm mà cơm không đủ ăn, ở đợi hết đời con đến đời cháu mà không trả hết nợ, không thoát khỏi được cảnh nghèo đói.

Do chính sách ngu dân của thực dân Pháp, việc học hành của nhân dân lao động ở nông thôn không được quan tâm, 2-3 xã mới có 1 trường sơ cấp. Trước năm 1945 toàn xã có 1 trường học ở ấp 4 - Chợ Giữa, nhưng sau bị phá bỏ. Nói chung, ở địa bàn này rất ít trường học, dân trí và trình độ văn hóa rất thấp; một số ít theo học chữ nho nhưng không đến nơi đến chốn; những gia đình khá giả cho con em lên tỉnh học, nhiều nhất đến lớp Nhất ( tương đương lớp 5 ngày nay), chế độ thi cử rất khắt khe, chỉ một số ít những người giàu có mới học lên nổi hết bậc trung học ( tương đương lớp 9 ngày này).

Năm 1940, phát xít Nhật nhảy vào xâm chiếm Đông Dương. Nhân dân Hiệp Thạnh cũng như nhiều địa phương khác trong vùng và cả nước phải chịu hai tầng xiềng xích áp bức, bóc lột rất cực khổ. Nhiều người nghèo xơ xác, phải mặc áo quần bằng cây u du, cây lát đập dập phơi khô bệnh dính lại thành tấm khố quấn tròn làm quần, hoặc dùng cây bàng đang thành quần cục mà mặc, nhiều gia đình chỉ ăn cháo với rau, muối cũng không có đủ.

Trong 30 năm kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, do bom đạn của chiến tranh, nhân dân trong xã chịu nhiều hy sinh mất mát, đất đai bị hoang hoá, thường xuyên bị thiên tai, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, gian khổ.

Tuy nhiên, trong gian khổ mới thấy hết lòng dân yêu nước. Dù khó khăn, ác liệt, nhân dân Hiệp Thạnh vẫn trung dũng kiên cường, bao gia đình, bao bà mẹ, cơm không đủ ăn, áo  không đủ mặc, dưới sự kìm kẹp gắt gao của địch, vẫn đùm bọc, nuôi dấu cán bộ, chiến sĩ; những người con của quê hương đã nằm xuống, trong đó không ít những tấm gương quả cảm.

Ra khỏi chiến tranh, trong những ngày đầu mới giải phóng còn đầy khó khăn, thử thách, dù thiếu thốn trăm bề, nhân dân trong xã bắt tay vào khôi phục, xây dựng lại quê hương. Chính từ tinh thần yêu nước và chịu đựng hy sinh, gian khổ ấy, mà Hiệp Thạnh ngày nay đang thay da đổi thịt, đang phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tạo nên nhiều thành quả quan trọng./.

 

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisementimage advertisementimage advertisement
   
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1